Một số kết quả nổi bật về chuyển đổi số quý III năm 2024
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các Bộ, ngành đạt 45,14%, tại các địa phương đạt 65,38%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các Bộ, ngành đạt 45,48%, tại các địa phương đạt 67,2%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa tại các Bộ, ngành đạt 1,29%, tại các địa phương đạt 13,15%.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Về cung cấp DVCTT toàn trình: Đến tháng 9/2024, triển khai cung cấp DVCTT toàn trình đạt tỷ lệ 55,5%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 59,7%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 55,4%. Một số bộ, ngành bộ, ngành đã triển khai rất tốt với 100% DVCTT toàn trình như Bộ Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông. Một số địa phương triển khai rất tốt DVCTT toàn trình như Đà Nẵng đạt 95,6%; Cà Mau đạt 92%; Tây Ninh: 92% ...
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43,8%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 61,1%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 18,2%.
Về ban hành chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến: Có 63/63 tỉnh đã ban hành chính sách về phí, lệ phí, trong đó có 3 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn phí, lệ phí, 57 tỉnh ban hành chính sách giảm tối đa 50% phí, lệ phí. Có 15/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sớm ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Nổi bật là, Quảng Ngãi ban hành chính sách rút ngắn 20% thời gian xử lý cho 973 dịch vụ công trực tuyến. Thừa Thiên – Huế ban hành chính sách cắt giảm thời gian giải quyết cho 138 thủ tục hành chính khi nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến so với hình thức nộp hồ sơ trực tiếp thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có những thủ tục hành chính được cắt giảm tới 80% thời gian xử lý và thực hiện trong 01 ngày làm việc khi thực hiện trực tuyến (Miễn giảm kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu của Sở Khoa học – Công nghệ rút ngắn thời gian xử lý từ 5 ngày làm việc còn 01 ngày). Thanh Hóa ban hành chính sách cắt giảm thời gian giải quyết cho thủ tục hành chính khi nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến so với hình thức trực tiếp/bưu chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số thủ tục hành chính giảm tới 53% thời gian xử lý khi nộp trực tuyến.
Về phát triển kinh tế số
Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trở thành ngành công nghiệp nền tảng đóng vai trò trọng yếu phát triển kinh tế số.
Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã quy tụ hơn 51.000 doanh nghiệp, tạo ra việc làm cho trên 1,5 triệu người, trong đó khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là một trong những thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong nước và quốc tế, góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ thế giới về công nghiệp số. Trong đó, top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc năm nay có tổng doanh thu hơn 4,7 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho hơn 75.000 lao động.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận. Doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam 9 tháng năm 2024 đạt 118 tỉ USD, tăng 17,78% so với 9 tháng đầu năm 2023; trong đó, doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là 6,64 tỉ USD, tăng 9,86% so với 9 tháng năm 2023.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số: Tính đến hết ngày 10/9/2024: Số lượt doanh nghiệp tiếp cận Chương trình đạt 1.267.427 lượt, ước đạt 79,21% kế hoạch năm (là 1.600.000 lượt). Số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình: 392.923 doanh nghiệp, ước đạt 98,23 % kế hoạch năm (là 400.000 doanh nghiệp).
Ngày 16/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, các mũi đột phá có thể tập trung vào nội hàm phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số hoặc phát triển Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Đến tháng 9/2024, có 78.588 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (tăng 3.159 doanh nghiệp, hộ kinh doanh so với tháng 8/2024), số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 729,9 triệu hóa đơn (tăng 81,8 triệu hóa đơn so với tháng 8/2024).
Về lĩnh vực ngân hàng: 4,5 triệu hồ sơ khách hàng đã được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip thông qua thiết bị tại quầy của 47 tổ chức tín dụng; 22 tổ chức tín dụng và 13 trung gian thanh toán triên khai ứng dụng VNeID để đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng, giao dịch thanh toán. Việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản an sinh xã hội: Đã có 06 tổ chức tín dụng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, LPBank, NamABank, MBBank) hoàn thành kết nối tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc chi trả an sinh xã hội với số tiền được chi trả lên tới hơn 800 tỷ đồng; Có khoảng 74% số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại 43 tỉnh, thành phố và thống nhất từ 01/9/2024 đồng loạt triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trên toàn quốc.
Việt Nam xếp thứ 10 toàn cầu về số lượng lượt tải trên thiết bị di dộng với 285 triệu lượt và xếp thứ 29 toàn cầu về tổng doanh thu mua hàng trên ứng dụng (doanh thu tăng 12% so với tháng trước). Xu hướng hoạt động số tháng 8/2024 chủ yếu tập trung vào các mạng xã hội với 4 ứng dụng dẫn đầu về số lượng tài khoản hoạt động nhiều nhất đều là mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok; ngoài ra Telegram có số lượng tài khoản hoạt động tăng cao nhất với hơn 3 triệu tài khoản tăng so với tháng 7/2024.
Triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tiếp tục đạt được mục tiêu về việc góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, cũng như đảm bảo việc thí điểm dịch vụ an toàn, đúng quy định. Một số kết quả cụ thể như sau: Tổng số khách hàng đạt lũy kế đạt hơn 9,6 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 6,9 triệu khách hàng, chiếm 72%; 11.885 điểm kinh doanh đã được thiết lập, tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 275.960 đơn vị, cung cấp các dịch vụ thanh toán thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, hành chính công; Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 148 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 5.397 tỷ đồng.
Về phát triển xã hội số
Về phát triển công dân số, theo thống kê của Bộ Công an, đến tháng 9/2024, toàn quốc đã cấp 87,7 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip; thu nhận trên 78,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản.
Bộ Công an đã triển khai bổ sung các tiện ích mới trên VNeID với 31,6 triệu lượt người sử dụng các tiện ích. Đồng thời đã bổ sung thêm 6 tính năng mới trên ứng dụng VneID gồm: hóa đơn thanh toán tiền điện; hóa đơn thuế; giấy chuyển tuyến; giấy hẹn khám lại; sổ sức khỏe điện tử; nền tảng thiện nguyện để huy động quyên góp, ủng hộ tài trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Nổi bật trong tháng 9/2024, Bộ Công an đã phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các ngân hàng triển khai giải pháp “chung tay hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên VNeID”, đảm bảo công khai, minh bạch.
Đến nay, đã tạo lập được hơn 32 triệu dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có hơn 14,6 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID với 98,6% cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Về phổ cập kỹ năng số cho CBCC và người dân, từ 01/01/2023 đến 15/9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 10 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số miễn phí trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCS) cho hơn 101.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hỗ trợ 15 bộ, ngành và 49 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS đến hết năm 2024. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức bồi dưỡng cho 95.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức 02 khóa học mở miễn phí cho người dân Việt Nam về kỹ năng số cơ bản và kỹ năng an toàn thông tintrên môi trường số trên Nền tảng MOOCS và thực hiện tập huấn kỹ năng số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (Tổ CNSCĐ) tại các địa phương. Đến nay Nền tảng đã đạt hơn 28 triệu lượt truy cập các khóa học. Trung bình mỗi ngày tăng 2000-3000 lượt truy cập.
Về triển khai thí điểm cấp học bạ số cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm trên cả 63 địa phương. Hiện nay, cả nước đã có hơn 4,2 triệu học bạ từ lớp 1 đến lớp 4 năm 2023-2024 (đạt tỷ lệ 62,29%), vượt mức so với Kế hoạch thí điểm đề ra. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành tổng kết, đánh giá triển khai thí điểm và chuẩn bị phương án triển khai chính thức trong năm học 2024-2025./.
Trịnh Minh