Kế hoạch số 3584/KH-UBND ngày 07/10/2024 triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT) giai đoạn 2025-2030.
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 3584/KH-UBND ngày 07/10/2024 triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT) giai đoạn 2025-2030.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, Kon Tum sẽ hình thành và triển khai hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp ứng dụng TTNT ở một số ngành, lĩnh vực trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phù hợp với đặc thù của tỉnh; chú trọng ứng dụng TTNT trong nông nghiệp công nghệ cao như cà phê, cao su, sâm Ngọc Linh và quản lý rừng, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, TTNT cũng sẽ được phát triển trong quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và du lịch.
Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng như: Cụ thể hóa, triển khai thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến TTNT; Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán; Phát triển hệ sinh thái TTNT; Thúc đẩy ứng dụng TTNT trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, quản lý rừng, bảo vệ môi trường, quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, du lịch...
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cơ bản về ứng dụng TTNT cho cán bộ các cấp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trang bị các kỹ năng cơ bản cần thiết để ứng dụng, phát triển các ứng dụng TTNT giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Song song với đó, tỉnh cũng sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, khoa học và công nghệ phục vụ ứng dụng TTNT.
Đáng chú ý, tỉnh đặt mục tiêu triển khai ít nhất 05 nhiệm vụ, dự án, mô hình ứng dụng TTNT trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công, du lịch. TTNT cũng sẽ được áp dụng trong các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, dịch bệnh.
Kế hoạch cũng đề ra việc ứng dụng rộng rãi trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức trong lĩnh vực hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân.
Với những bước đi cụ thể và quyết tâm cao, Kon Tum đang từng bước đưa công nghệ TTNT vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tỉnh trở thành một điểm sáng về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khu vực Tây Nguyên.
Diệu Linh