Giới thiệu chung

Giới thiệu chung

Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Rẫy: Phát triển mạnh diện tích mắc ca

Trong thời gian gần đây, cùng với cà phê, cao su, dược liệu, cây mắc ca đã và đang được người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Cùng với cây cao su, cà phê, dược liệu thì huyện Kon Rẫy cũng khuyến khích người dân phát triển diện tích mắc ca, đồng thời, chủ động liên doanh liên kết với đơn vị cung ứng giống đảm bảo, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên trong vài năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã chú trọng phát triển mạnh diện tích mắc ca.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện Kon Rẫy đã trồng mới được hơn 445ha cây mắc ca. Tất cả các xã trên địa bàn huyện đều phát triển cây mắc ca, trong đó, xã Đăk Tờ Lung có diện tích trồng mắc ca nhiều nhất với 125,5ha; sau đó là xã Đăk Ruồng phát triển được hơn 116ha; Đăk Tờ Re 42,8ha; Tân Lập 42,2ha thị trấn Đăk Rve 33,5ha;  Đăk Pne có 65,12ha và Đăk Kôi 20,3ha.

Đến nay, huyện Kon Rẫy đã phát triển được hơn 445 ha mắc ca. Ảnh: HN

 

Đăk Ruồng là 1 trong 2 xã có diện tích mắc ca nhiều nhất huyện Kon Rẫy. Điều đáng mừng là thời gian qua, nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS đã mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi sang trồng chuyên canh cây mắc ca hoặc tiến hành trồng xen canh với các loại cây trồng khác. Trong số đó phải kể đến mô hình trồng, chế biến mắc ca của gia đình bà Võ Thị Bích Thủy (ở thôn Kon Skôi, xã Đăk Ruồng). Đây là một trong những mô hình phát triển cây mắc ca đầu tiền của xã và cả của huyện Kon Rẫy. Gia đình bà Thủy đã trồng cây mắc ca từ năm 2015-2016 và hiện đã phát triển được hơn 10ha, với khoảng 2.700 cây. Hiện nay, toàn bộ diện tích cây trồng đã cho thu hoạch. Trong đó, cây lớn thu hoạch từ 40-50kg/cây; cây nhỏ từ 10-12kg/cây. Từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình bà thu được khoảng 1,2 tỷ đồng từ mắc ca.

Trong 2 năm gần đây, gia đình bà Thủy chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài bán quả tươi, gia đình bà còn thực hiện chế biến, đóng gói bán ra thị trường. Hiện, 10ha mắc ca của gia đình bà đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xác nhận mã số vùng trồng và  được  ngành chức năng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Gia đình bà Thủy đã đầu tư máy móc, tiến hành chế biến và tham gia Chương trình OCOP và sản phẩm mắc ca Nhật Long Farm của gia đình bà đã được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2022.

Mô hình trồng cây mắc ca của gia đình bà Võ Thị Bích Thủy bước đầu khẳng định cây trồng có giá trị kinh tế cao, ít sâu bệnh, có tính thích nghi rộng, không khó trồng, không đòi hỏi đầu tư quá nhiều và có thể trồng xen với nhiều loại cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Mô hình cây mắc ca của hộ bà Võ Thị Bích Thủy ở xã Đăk Ruồng. Ảnh: HN

 

Ông Đỗ Dũng Sỹ- Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi cây mì, cây bời lời kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca và cây ăn quả. Đồng thời, chủ động liên kết với các đơn vị thu mua, chế biến sản phẩm từ mắc ca tìm đầu ra ổn định cho người dân, để người dân yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống.

Tại xã Đăk Tờ Re, những năm qua, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh tuyên truyền vận động đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển đổi diện tích mì, bời lời kém hiệu quả, sang trồng cây ăn quả, cây mắc ca và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, xã tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình nâng cao sản lượng trên một đơn vị diện tích để người dân học tập, làm theo. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, bà con nông dân trong xã đã trồng mới được 15,5ha cây mắc ca, đạt 101,18% kế hoạch, nâng tổng số diện tích mắc ca toàn xã lên 42,8ha.

Ông Huỳnh Quốc Thái- Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mắc ca và các loại cây ăn quả. Đây cũng là loại cây trồng được xã xác định là một trong loại cây trồng chủ lực tập trung phát triển trong thời gian tới nhằm giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Để phát triển diện tích trồng cây mắc ca theo kế hoạch đề ra, huyện Kon Rẫy đã và đang chú trọng ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cây giống tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca cho người dân. Cây mắc ca hiện đang được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện xác định là cây kinh tế chủ lực. 


Tác giả: Hà Nam
Nguồn:https://www.baokontum.com.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
THỜI SỰ
Thống kê truy cập
Hôm nay : 35
Hôm qua : 51
Tháng 10 : 415
Tháng trước : 787
Năm 2024 : 11.525
LIÊN KẾT